RĂNG SỨ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

1. Răng sứ là gì?

Răng sứ là  phục hồi răng được làm bằng chất liệu sứ nhằm tái tạo lại tính thẩm mỹ cũng như chức năng của răng. Sứ là một loại vật liệu có khả năng sao chép được hầu hết đặc tính vẻ ngoài của răng thật.
Răng sứ bao gồm 2 loại tương ứng với phân loại phục hình răng:
  • Răng sứ cố định: gắn cố định bằng xi-măng lên răng thật hoặc trên implant 
  • Răng sứ tháo lắp: răng sứ trên hàm giả có thể tháo ra lắp vào (hoặc hàm giả trên implant)

Bọc răng sứ là phương pháp phục hồi mang tính phổ biến và thẩm mỹ cao

2. Bọc răng sứ là gì? Chụp răng sứ là gì? 

Bọc răng sứ hay còn gọi là chụp răng sứ là một điều trị phục hình răng bằng răng sứ cố định nhằm tái tạo lại vẻ thẩm mỹ và chức năng của các răng bị mẻ vỡ, sâu răng, mòn răng, hoặc mất răng,…
Bọc răng sứ trên răng thật thì yêu cầu răng phải được sửa soạn (mài) thành hình dạng nhỏ hơn nhằm tạo không gian cho răng sứ, được gọi là cùi răng. Cùi răng phải được tạo sao vừa đủ độ dày và độ lưu giữ (độ cao, độ song song,..) để đảm bảo sự gắn dính lâu dài của răng sứ.
Răng sứ sẽ được tạo riêng cá nhân cho mỗi người bên trong phòng lab nha khoa, dựa trên mẫu cùi răng đã được sao chép khi bác sĩ lấy dấu răng.
Chụp răng sứ thực tế bao gồm hai loại hình phục hồi chính trong chuyên môn nha khoa gọi là: Mão răng sứ và Cầu răng sứ
    • Mão răng (dental crown) như một cái mũ được phủ chụp lên bên ngoài răng thật của bạn. Mão răng giúp răng thêm độ cứng chắc, và cải thiện được thẩm mỹ cho răng. Mão răng giúp phục hồi lại hình dáng thẩm mỹ, kích thước và chức năng của răng.

Mão răng sứ

    • Cầu răng (dental bridge) hay trồng răng bắc cầu – trồng răng sứ,…là cách trồng răng mất theo kiểu cố định trên răng thật. Cầu răng cấu trúc đơn giản nhất gồm 2 mão răng gắn lên 2 trụ là răng thật đã được mài sửa soạn hình dạng cùi răng, và 1 phần thân răng giả nằm chính giữa để phục hồi hình dạng răng đã mất. Cầu răng có thể dài hơn với nhiều trụ hơn được đúc thành 1 khối liên tục nhằm phục hồi nhiều răng mất.

Cầu răng sứ

 

3. Bọc răng sứ thẩm mỹ là gì?

Bọc răng sứ cũng được sử dụng lâu nay trong Nha Khoa Thẩm Mỹ để thay đổi nụ cười do các răng có hình thể, màu sắc, vị trí không đẹp,… mà bệnh nhân có mong muốn được thay đổi. Những trường hợp cần thay đổi nụ cười hoàn toàn thường cần phục hồi răng sứ trên 8-10 răng phía trước của mỗi hàm, hay 16-20 răng cho cả hai hàm.
Mặc dù các răng thật này còn nguyên vẹn và không có bệnh lý, nhưng để thay đổi vẻ ngoài như ý muốn thì chúng cũng được sửa soạn để thực hiện các phục hồi mão răng sứ và/hoặc cầu răng sứ lên trên. Nhược điểm của phương pháp này là lấy đi khá nhiều cấu trúc răng, và có thể gây hại lên tủy răng nếu thực hiện không đúng cách.
Ưu điểm của nó là độ bền và độ lưu giữ cao, phù hợp cho các trường hợp mòn răng, kích thước răng ngắn, trường hợp cần tái lập khớp cắn toàn hàm, lực nhai mạnh/ nghiến răng,…
Bọc Răng Sứ thẩm mỹ nên được phân biệt với Veneer Dán Sứ thẩm mỹ vì sự khác nhau rất nhiều về bản chất lưu giữ, vật liệu dán, chỉ định, cùng cách thức thực hiện.
Hiện nay trào lưu bọc sứ thẩm mỹ toàn hàm đang rất thịnh hành tại Việt Nam, mặc dù trào lưu này vốn đã xuất hiện tại Mỹ đầu tiên vào những thập niên cuối thế kỷ 20 và hiện nay không còn. Đó là do nó có nhiều tác hại lâu dài cùng nguy cơ gây mất răng cao, đặc biệt tỷ lệ này càng tăng nếu nha sĩ thực hiện không đúng cách và kỹ lưỡng.

4. Trường hợp nào nên bọc răng sứ – chụp răng sứ?

Bọc răng sứ – làm răng sứ được tên gọi chung cho cả hai điều trị mão răng sứ và cầu răng sứ, mặc dù chỉ định cho mỗi loại phục hình này là khác nhau. Bạn cần khám tư vấn với bác sĩ rõ ràng trước khi lựa chọn phương pháp.
Lý do bạn cần làm mão răng sứ:
  • Răng bị sâu răng phá hủy: điều trị trám răng thông thường không đảm bảo độ bền vững lâu dài cho miếng trám, mão răng là lựa chọn bảo vệ thân răng và tuỷ răng.
  • Miếng trám răng lớn: khi răng có miếng trám quá lớn, cấu trúc răng còn lại yếu, có thể có sâu răng tái phát/ mẻ vỡ miếng trám thì mão răng được lựa chọn để bảo vệ các mô răng còn lại thay vì trám mới để sửa chữa lại.
  • Răng bị nứt: khi bạn dùng lực lớn hoặc tai nạn dẫn đến có vết nứt trên răng, gây đau và ê buốt. Ăn nhai tiếp tục có thể khiến đường nứt lan rộng và dẫn đến vỡ răng. Một mão răng chụp lên trên sẽ giúp bảo vệ mô răng và giảm áp lực lên vùng nứt, có thể cần thời gian mạng mão răng tạm để theo dõi mức độ có cần phải điều trị tủy răng hay không. Nếu vết nứt lan quá sâu xuống chân răng hoặc hay tét đôi răng thì mão răng cũng không giữ lại răng được. Vì vậy đi khám sớm khi vết nứt răng còn nông là điều kiện tiên quyết để có thể giữ được răng.
  • Mẻ vỡ múi răng: Các múi răng (phần nhô lên trên mặt nhai) là nơi chịu nhiều lực nhai nhất, thường mẻ vỡ do tai nạn, ăn cứng,…đặc biệt răng đã có miếng trám lớn. Khi bị mẻ múi thì khó có thể phục hồi trám được, thì mão răng sẽ được chỉ định.
  • Mòn răng: Nếu 1 người có thói quen nghiến răng hoặc siết chặt răng, thì răng họ sẽ bị ngắn đi dần. Răng cũng có thể bị mòn hoá học do các vấn đề về acid dạ dày (trào ngược), thói quen ăn uống chứa nhiều acid,…Khi men răng mòn hết và để lộ phần ngà răng mềm thì răng trở nên rất ê buốt, đôi khi làm viêm tủy, chết tủy răng. Theo thời gian những người này mòn nhiều răng và khớp cắn bị sụp xuống, tầng mặt dưới trở nên ngắn và khuôn mặt trông già hơn. Các phục hồi mão răng sứ thường được chỉ định cho các trường hợp này, đặc biệt để nâng cao khớp cắn và tái lập toàn hàm.
  • Răng bạn có màu sắc hay hình dạng bất thường: điều này gây mất thẩm mĩ, mão răng giúp điều chỉnh đem lại thẩm mỹ cho nụ cười tự tin của bạn.
  • Mão răng được thực hiện đúng có tỷ lệ thành công cao hơn các phục hồi khác trong rất nhiều chỉ định, điều này đã được nhiều nghiên cứu chứng minh
  • Cầu răng sứ giúp phục hồi cố định các răng mất, phục hồi được cả chức năng và thẩm mỹ tốt
Nhược điểm của bọc răng sứ / cầu mão răng sứ:
  • Cần phải sửa soạn răng trở thành hình dạng phù hợp cho mão răng, điều này thường mất thêm khá nhiều mô răng và không phục hồi lại được.
  • Một số bệnh nhân sẽ thấy cảm giác không thoải mái ngắn hạn ngay sau khi làm, đặc biệt là nhạy cảm với nóng là lạnh.
  • Cảm giác lạ khi cắn hoặc nhai sau khi gắn, có thể là bình thường và sẽ hết trong thời gian ngắn. Nếu kéo dài và không cắn lại được (cộm) thì cần tái khám điều chỉnh.
  • Mão răng sứ có lý do thường gặp nhất phải sửa chữa với nha sĩ là mẻ sứ. Với các vết mẻ nhỏ thông thường thì có thể sửa chữa tại chỗ mà không cần tháo bỏ mão răng sứ cũ. Đối với các nứt vỡ lớn ảnh hưởng nhiều đến chức năng, độ bền, thẩm mỹ,… thì bác sĩ thường phải tháo bỏ các răng sứ này ra và thực hiện lại như ban đầu. Chất lượng vật liệu, kỹ thuật nung, đủ thời gian và quy trình của bác sĩ là các yếu tố chính ảnh hưởng đến độ bền của lớp sứ.
  • Thỉnh thoảng xi-măng gắn răng sứ bị tan mất hoặc lão hoá, điều này dẫn tới mão răng bị lỏng và vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên dưới mão răng gây ra sâu răng. Mão răng sau đó bị sút ra khỏi răng, nguyên nhân dẫn đến điều này thường do mão răng được thử chưa khít sát hoặc xi-măng gắn không đạt/ không đủ. Bạn cần đem mão răng đến nha sĩ để gắn lại sớm nhất có thể.
  • Rất hiếm gặp là khả năng bạn bị dị ứng với vật liệu làm mão răng, đặc biệt là kim loại. Khi đó chắc chắn bạn nên được thay đổi mão răng thành loại vật liệu khác.
  • Mão răng tốn kém hơn các phục hồi trực tiếp như trám răng, và càng đắt tiền hơn với các loại vật liệu khác nhau.
  • Viêm nướu: nếu bạn thấy phần nướu xung quanh mão răng sứ bị viêm đỏ hoặc sưng, chảy máu nướu thì có thể là bạn bị viêm nướu. Tình trạng này có thể tạm thời và điều trị dễ dàng bằng điều trị cạo vôi răng, nhưng cũng có thể kéo dài do nguyên nhân chính là mão răng sứ. Thường gặp nhất là mão răng sứ có đường viền đặt sai vị trí, xâm lấn khoảng sinh học, mão răng sứ không khít sát,… Bạn nên khám và chụp phim kiểm tra với bác s *ĩ để đảm bảo điều trị hết viêm nướu, vì nếu diễn tiến thành viêm nha chu sẽ dẫn đến lung lay răng, thậm chí có thể mất răng.

    6. Có bao nhiêu loại răng sứ ?

    Mão răng có thể được tạo ra từ nhiều loại vật liệu như:
    • Kim loại: vàng, titanium, Crom-Coban, Cr-Ni,…
    • Sứ: Sứ thiêu kết (sứ đắp), sứ thuỷ tinh
    • Zirconia: oxit của nguyên tố kim loại Zirconium (Zirconium dioxide – ZrO2) Các vật liệu này có thể kết hợp với nhau tuỳ theo mục đích và chỉ định đối với cầu mão răng sứ cho phù hợp.
    Nhìn chung những loại răng sứ sử dụng rộng rãi ngày nay có thể phân thành 4 loại chính có chỉ định và ưu nhược điểm khác biệt nhau. Không có loại vật liệu nào đáp ứng được tất cả các yêu cầu lý tưởng của 1 phục hồi cố định, nhưng chính bác sĩ là người am hiểu và tinh tế giúp bệnh nhân chọn lựa phù hợp với nhu cầu đồng thời đảm bảo độ bền vững/ sự sống của răng thật.